- Hotline: 090 29 45678
- Email: [email protected]
Mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp của tỉnh năm 2023 là 9,5% so với năm 2022, nhưng qua 9 tháng mới đạt 694,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,68%. Do vậy, để hoàn thành chỉ tiêu này, trong quý IV, GTSX công nghiệp trên địa bàn phải đạt 325,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Đây là mục tiêu không hề đơn giản nên để hoàn thành kế hoạch đề ra cần sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và các lực lượng sản xuất…
Ngành Thống kê khi công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2023 đã nêu rõ nhiều thành tựu quan trọng. Có một vài chỉ tiêu trong 9 tháng đã đạt và vượt kế hoạch theo tiến độ tính đến hết quý III.
Tuy nhiên, một trong những chỉ tiêu rất quan trọng của tỉnh là GTSX công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước, mà kế hoạch cả năm là tăng 9,5%. Trong đó, chỉ có số ít sản phẩm lũy kế 9 tháng có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, như: Vonfram tăng 14,5%; nước máy thương phẩm tăng 10,9%; điện sản xuất tăng 6,3%; than sạch tăng 1,9%.
Ngược lại, nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ lực của tỉnh có sản lượng lũy kế 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Xi măng giảm 11,5%; sắt thép giảm 21,3%; nhóm sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện giảm 7,5%; sản phẩm may giảm 2,6%... Như vậy, phần lớn nhóm sản phẩm công nghiệp của tỉnh đều giảm hoặc chỉ duy trì ở mức bằng năm 2022.
Ông Phạm Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên, cho biết: Sản phẩm của chúng tôi phục vụ các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông, từ đầu năm đến nay việc tiêu thụ thấp hơn nhiều so với năm trước. Riêng sản phẩm nắp gang đúc phục vụ các khu dân cư, khu đô thị, lượng hàng bán ra không đáng kể.
Để GTSX công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh trong quý IV, kéo kết quả cả năm "cán đích" mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, 9 huyện, thành tập trung cao độ khi thời tiết vào mua khô, rất thuận lợi để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà tăng trưởng.
Giải pháp này khả thi và rất quan trọng vì ngoài hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công còn có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của một số ngành, như: Sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng...
Phát biểu chỉ đạo tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng khẳng định Thái Nguyên không thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 mà tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thực hiện hiệu quả mục tiêu này trong những tháng cuối năm.
Thêm một tín hiệu khả quan nữa là một số mặt hàng may mặc sản xuất tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn như: Tháo gỡ về thủ tục pháp lý dự án và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các chính sách liên quan đến thuế, phí.
Riêng nhóm ngành sản xuất điện thoại, điện tử - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GTSX công nghiệp của tỉnh, đang có những dấu hiệu phục hồi tốt khi Samsung Thái Nguyên thông tin về sản phẩm mới và các giải pháp tăng số lượng sản xuất, xuất khẩu.
Nhóm các sản phẩm đa kim của tỉnh và sản phẩm hỗ trợ, phục vụ trực tiếp ngành sản xuất vật liệu bán dẫn cũng có cơ hội khởi sắc khi Hoa Kỳ và một số nước có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ Việt Nam. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để tạo đà, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khôi phục và phát triển nhanh hơn so với những tháng đầu năm 2023.
Với những yếu tố đó, hy vọng sản xuất công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Song, để đạt được mức tăng GTSX công nghiệp trong quý IV-2023 là 24,4% so với cùng kỳ là một thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm 2023 ước đạt 694,8 nghìn tỷ đồng và bằng 68,1% kế hoạch cả năm. Trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, công nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 19,5 nghìn tỷ đồng; công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 643,8 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng quý III, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 294,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý I và quý II.